Bí Danh Của Bệnh Tả


Có một ông bạn tôi sưu tầm các chuyện cười in ra mua vui, ông đặt tên cuốn sách mỏng là “Chuyện thổ tả.” Hai chữ “thổ tả” vốn là tên một thứ bệnh dịch, nhưng người Việt mình dần dần quen dùng hai tiếng đó để nói tới những thứ rất tồi tệ. Chẳng hạn mua phải cái xe cũ chạy ba bữa lại chết máy, người ta than “cái xe thổ tả!” Trông thấy ông chồng mặc cái áo rách bẩn thì bà vợ bảo, “Cái áo thổ tả này anh vứt đi hô em, mặc làm gì nữa?” Cuốn truyện cười của ông ban CNN chỉ kể những “chuyện thổ tả,” những chuyện chẳng đáng nhớ làm gì, đọc qua rồi bỏ.Nhưng nếu bây giờ tác giả định in lại cuốn sách trên ở Việt Nam thì có lẽ anh phải đổi tên. Cái tên mới sẽ là: “Chuyện tiêu chảy cấp.” Không được dùng hai chữ “thổ tả.” Theo tin chính thức được phép loan báo thì đã có tới 13 tỉnh và thành phố bị “Bệnh tiêu chẩy cấp,” một thứ bệnh mà người dân thường cứ gọi là bệnh tả. Chữ “tả” (chữ Hán viết có bộ thủy) chỉ có nghĩa là đi tiêu chảy, mà căn bệnh này thì đúng như vậy. Hơn một ngàn người lâm bệnh, hơn một trăm người đi thử nghiệm thấy có vi trùng sinh bệnh dịch tả. Một điều may là theo tin chính thức thì chưa có ai chết vì bệnh này. Ðiều làm dân chúng Việt Nam thấy tức cười là cả guồng máy quản trị đất nước lúng túng không dám dùng một cái tên thông thường, ai cũng hiểu; chạy quanh đi tìm một cái tên nghe nó nhẹ hơn. Nhưng khi loan tin mà tránh không dám gọi bằng một cái tên đúng và dễ hiểu, thì cũng không báo động cho người dân phải thấy mà lo phát động và tham gia những công tác đề phòng!

Ngôn ngữ Việt Nam hiện nay cũng do đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, cho nên sách báo phải kiêng không nói đến bệnh dịch tả! Thay vào đó, các nhà thông thái trong Bộ Y Tế đã đặt ra những tên mới để nói về một bệnh dịch giống hệt bệnh tả. Bệnh dịch có thật, đang lan tràn trong nước, triệu chứng giống như bị thổ tả, vi trùng cũng hình dấu phẩy. Nhưng một mối quan tâm lớn của guồng máy y tế là đặt cho căn bệnh đó một cái tên mới. Và guồng máy tuyên truyền lo bảo vệ cái tên mới này! Trên đã ra lệnh, báo đài răm rắp tuân theo! Nói đúng kiểu các bà mẹ Việt Nam đi chợ kháo nhau, các nhà báo đang văng tục (xin quý vị tha lỗi): “Không biết cái cậu thổ tả nào nó ban ra cái lệnh thổ tả như vậy!”

Báo chí trong nước không được nhắc đến những tiếng “dịch tả” hay “bệnh tả.” Lúc đầu họ gọi là “Bệnh tiêu chảy cấp tính nguy hiểm.” Sau thấy hai chữ “cấp tính” nghe vẫn nặng quá, sợ người ta không tin tưởng vào đảng lãnh đạo, nên trên ra lệnh đổi tên là “Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm” cho nó gọn. Sau cùng, người ta “nhất trí” gọi tắt là “Bệnh tiêu chảy cấp,” hy vọng căn bệnh sẽ bớt nguy hiểm đi. Ở trên đã nhất trí rồi, ở dưới cũng nhất trí theo, thế là lịch sử ghi nước Việt Nam hôm nay đang có “Bệnh tiêu chảy cấp.” Không biết chữ “cấp” ở đây nghĩa là gì!

Theo Bác Sĩ Vũ Ðức Chiêu ở Ban Mê Thuột thì cái tên bệnh do nhà nước đặt ra không hề có trong danh sách bảng phân loại bệnh tật quốc tế. Nhưng đối với các cán bộ nhà nước cộng sản thì chuyện hôm nay gọi tên chứng bệnh thế này, mai dùng tên khác cũng là chuyện bình thường thôi. Ngày xưa có ông Nguyễn Tất Thành đã đổi tên biết bao nhiêu lần, lúc gọi là Lý Thụy, lúc là đồng chí Lin hay Line, lúc lấy bí danh Sung Man Ho, ông Vương, Ly Sin Sang, Trần Bá Quốc, vân vân. Ông ấy nhiều tên nhưng trước sau vẫn chỉ là một người; tên giả sau cùng là Hồ Chí Minh trở thành tên thật. Có thể coi “Bệnh tiêu chảy cấp tính nguy hiểm” và “Bệnh tiêu chảy cấp” cũng như những bí danh của bệnh dịch tả vậy.

Vấn đề chính là cả nước đang bị đe dọa bởi một căn bệnh truyền nhiễm, cần cho toàn dân biết mà lo đề phòng. Không nên cãi nhau chuyện gọi tên căn bệnh đó là gì. Bác Sĩ Vũ Ðức Chiêu cho biết người ta chưa tìm ra thứ vi khuẩn Vibrio Choalerae loại 1 (VC 1) là loại thường gây bệnh dịch tả. Họ chỉ mới thấy vi khuẩn VC loại 3, cho nên nại cớ đó mà không chịu công bố có dịch tả. Ðối với người dân thì khi nào “thượng thổ hạ tả” là người ta gọi nó là thổ tả. VC nào cũng là VC, khi ôm bụng chạy thì có ai cần phân biệt VC 1 với VC 2 hoặc VC 3 đâu!

Nhưng nhà nước lại rất lo vấn đề đặt tên, không muốn dân nghe những tiếng thổ tả, vì “chiến lược che dấu bệnh dịch của lãnh đạo,” như Bác Sĩ Vũ Ðức Chiêu nhận xét. Họ che dấu không muốn công nhận nước ta có dịch tả, vì “sợ ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch và uy tín... Sợ thiên hạ chê cười!” Ông Chiêu còn nhắc lại trường hợp năm 2003 có người ở Việt Nam bị bệnh sốt cấp tính gọi là SARS; cũng thói quen từ chối không công nhận, cố che đậy và giấu giếm giống như vậy. Một bác sĩ ngoại quốc ở bệnh viện Pháp Việt khám phá ra căn bệnh, báo lên Bộ Y Tế Việt Nam. Họ không nghe. Ông này xin gặp ông Phan Văn Khải, thủ tướng, nhưng không được tiếp. Bệnh viện báo tin trực tiếp cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, sau đó dân Việt Nam mới được biết để mà lo phòng ngừa.

Nhà nước cộng sản đang dùng quyền kiểm soát báo, đài, mạng lưới để lãnh đạo cả tiếng nói của dân. Chẳng hạn, người ta không dám viết “bệnh đã lan ra 13 tỉnh” mà chỉ loan tin “đã có thêm 2 tỉnh” có người mắc bệnh, sau đó liệt kê tên cả 11 tỉnh kia, phần lớn tập trung ở đồng bằng Bắc Việt. Dân vô tình đọc báo thấy chỉ nói có thêm 2 tỉnh, ít quá chẳng ăn nhằm gì! Chỉ khi một đầu bếp ở khách sạn 5 sao bị bệnh người ta mới hốt hoảng! Dân đen bệnh không sao, các quan ta quan Tây mà bệnh thì nguy lắm! Còn dân đen đi chữa bệnh đông quá nhà thương không đủ chỗ, nhà báo không dám viết “bệnh viện thiếu chỗ” mà lại viết “Bệnh viện thừa bệnh nhân!” Sáng tạo thật. Trên thế giới không có dân tộc nào lại bẻ cong ngôn ngữ tài như thế. Như vậy thì hiểu được tại sao các đồng chí Bắc Hàn không loan tin có hàng triệu dân chết đói vì thiếu gạo. Vì họ chỉ biết là dân nước họ đang thừa miệng ăn, thừa răng, thừa bao tử, thừa nhiều quá.

Có người bên vực đảng Cộng Sản, nói rằng nhà nước lo quản lý xã hội, cho nên không thể để cho xã hội rối loạn! Nói tên bệnh dịch tả ra, sẽ “đẩy xã hội vào hoảng loạn!” Lại còn biện hộ thêm rằng không phải cứ làm cho xã hội hoảng loạn thì sẽ tìm ra thuốc chữa trị bệnh dịch!

Nghe lý luận cũng ngon lắm. Thế nếu khi thấy lửa bốc cháy đống rơm đầu xóm thì có nên hô lớn “Cháy! Cháy!” để bà con lo phòng hỏa hay không? Hay là hãy họp Bộ Chính Trị lại tìm đường tránh né đã. Nghị quyết: Không được phép hô “Cháy!” Phải hô “lửa cấp tính nguy hiểm” - hoặc “lửa cấp” cho nó gọn!

Ở nước theo chế độ nào cũng vậy; có rất nhiều lúc phải báo động cho cả xã hội biết một mối nguy chung mà cùng nhau đề phòng, như vậy mới gọi là quản lý xã hội. Như khi thấy một nửa thanh thiếu niên trong các xóm ghiền ma túy, thì cả thành phố phải được báo động để bài trừ ma túy. Khi thấy học trò tốt nghiệp trung học phổ thông mà vẫn chưa biết giải phương trình bậc nhất, thì cả nước phải báo động để cải tổ giáo dục. Hàng ngàn người bị bệnh giống như dịch tả, lan ra khắp 13 thành, tỉnh, hãy cứ báo động có dịch tả đã. Muốn dân đừng lo quá đến hốt hoảng thì giải thích đó là một loại dịch tả mới, dịch tả nhẹ, dịch tả thời kinh tế thị trường, dịch tả theo định hướng chủ nghĩa gì gì đó cũng được. Nhưng cần phải báo động cho toàn dân, để cùng lo phòng ngừa. Ðó là nhiệm vụ của tất cả các guồng máy nhà nước. Nhưng nhà nước cộng sản thì lúc nào cũng bình chân như vại, không lo lắng gì cả. Bác Sĩ Vũ Ðức Chiêu đọc trên báo Lao Ðộng thấy bà Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói, “Bệnh này đã có thuốc đặc trị!” Mặc dù bà vẫn chưa biết đó là bệnh gì, chưa biết do vi trùng nào sinh bệnh! Ông Bác Sĩ Chiêu lắc đầu ngao ngán than, như thế thì “liều quá!”

Có cán bộ bênh vực chính quyền cộng sản mỉa mai rằng “thật ngu xuẩn nếu cho rằng xã hội hoảng loạn thì sẽ nhanh chóng tìm ra biện pháp cứu chữa” bệnh dịch đang làn tràn. Người biện hộ như thế phải đặt dấu hỏi lớn về trí thông minh của mình. Báo động cho dân biết thì không tác dụng gì tới việc tìm phương cách chữa bệnh. Nhưng không báo động thì cũng chẳng nhờ thế mà tìm ra phương thuốc sớm hơn! Nhưng dân biết có bệnh dịch nguy hiểm để đề phòng, dù sau đó bệnh dịch không xảy ra thì cũng chẳng có hại gì cả. Có khi lại ích lợi, vì lâu lâu người ta cũng nên ăn uống có vệ sinh hơn một chút! Ngược lại, nếu cứ loanh quanh đặt tên bệnh dịch mà không huy động dân lo lắng phòng bệnh thì nếu lợ có dịch tả thật, sẽ nhiều người chết oan! Ngay bây giờ một tờ báo trên mạng trong nước viết “vẫn còn một số người tỏ ra thờ ơ với căn bệnh nguy hiểm này” trong khi một bệnh viện quốc gia không đủ chỗ cho các bệnh nhân điều trị.

Gọi một cái tên có tính cách báo động, không làm cho xã hội hốt hoảng. Trái lại, khi một guồng máy nhà nước cứ loay hoay đi tìm một cái tên khác với cái tên quen thuộc, đổi bí danh này lại sang bí danh khác để né tránh, hành động đó còn khiến người dân lo sợ hơn nữa. Vì họ không biết thực sự đang xảy ra chuyện gì! Không biết thì tha hồ đồn đãi! Người dân Việt Nam đã có kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản. Các ông ấy mà quả quyết không đổi tiền nữa, là sẽ có ngày đổi tiền vét hết tiền cả nước! Dân Việt Nam biết một nhà nước thổ tả còn tệ hơn là bệnh thổ tả! Nhưng không ai dám viết trên báo như vậy. Nếu viết, cũng phải gọi là “Nhà nước tiêu chẩy cấp.” (Người Việt; Friday, November 09, 2007)

Ngô Nhân Dụng

Không có nhận xét nào: